Thủ tục Cấp giấy phép xây dựng (giấy phép xây dựng mới, giấy phép sửa chữa, cải tạo, giấy phép di dời công trình) đối với công trình, nhà ở riêng lẻ XD trong đô thị, trung tâm cụm xã...
(16/01/2018 16:30:48)
Tên thủ tục hành chính: Thủ tục Cấp giấy phép xây dựng (giấy phép xây dựng mới, giấy phép sửa chữa, cải tạo, giấy phép di dời công trình) đối với công trình, nhà ở riêng lẻ XD trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử- văn hóa thuộc địa bàn quản
Tên cơ quan: Cấp huyện
Tên lĩnh vực: Cấp huyện
Nội dung:

Thủ tục Cấp giấy phép xây dựng (giấy phép xây dựng mới, giấy phép sửa chữa, cải tạo, giấy phép di dời công trình) đối với công trình, nhà ở riêng lẻ XD trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử- văn hóa thuộc địa bàn quản lý, trừ các công trình thuộc thẩm quyền cấp GPXD của cấp trung ương, cấp tỉnh.

- Trình tự thực hiện:

Bước 1. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật

Bước 2. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu điện đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long).

* Đối với trường hợp nộp trực tiếp, công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ theo quy định:

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, công chức ra phiếu nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả (theo đúng mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015) giao cho người nộp.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (theo đúng mẫu số 01 ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015) gửi cho tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (đảm bảo tổ chức, cá nhân chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần).

* Đối với trường hợp gửi qua dịch vụ bưu điện:

+ Tổ chức, cá nhân có thể gửi nộp hồ sơ tại các điểm phục vụ bưu chính của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Cước phí do tổ chức, cá nhân thanh toán với Bưu điện theo giá cước quy định).

+ Công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ theo quy định do nhân viên bưu chính chuyển đến.

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, công chức ra giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả (theo đúng mẫu số 03 ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015) giao cho nhân viên bưu chính.

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, công chức tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (theo đúng mẫu số 01 ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015) gửi cho nhân viên bưu chính để báo lại cho tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (đảm bảo tổ chức, cá nhân chỉ phải bổ sung hồ sơ một lần).

Bước 3. Thụ lý hồ sơ.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo. Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;

- Căn cứ quy mô, tính chất, loại công trình và địa điểm xây dựng công trình có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;

- Trong thời gian 10 ngày đối với công trình và nhà ở riêng lẻ kể từ ngày nhận được hồ sơ, các cơ quan quản lý nhà nước được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan này không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm về những nội dung thuộc chức năng quản lý của mình; cơ quan cấp giấy phép xây dựng căn cứ các quy định hiện hành để quyết định việc cấp giấy phép xây dựng;

Bước 5: Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí theo quy định và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo địa chỉ đã gửi hồ sơ ban đầu.

+ Khi đến nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, người nhận phải trả lại phiếu nhận hồ sơ (nếu gửi hồ sơ qua đường bưu điện thì xuất trình giấy chứng minh nhân dân) và ký vào sổ theo dõi hồ sơ (theo đúng mẫu số 02 ban hành kèm theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg, ngày 25/3/2015);

+ Công chức trả kết quả kiểm tra lại kết quả trước khi trao cho người nhận;

+ Người nhận kết quả kiểm tra lại kết quả, nếu phát hiện có sai sót hoặc không đúng thì yêu cầu điều chỉnh lại cho đúng.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả: Buổi sáng từ 7 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần (trừ các ngày nghỉ theo quy định).

- Cách thức thực hiện: Trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu điện.

- Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Thành phần hồ sơ:

(1) Trường hợp xây dựng mới:

(1.1) Đối với công trình không theo tuyến; Công trình tín ngưỡng, thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư số 15/2016/TT-BXD (bản chính);

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp đối với công trình xây dựng trạm, cột phát sóng tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng cho xây dựng, không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:

- Bản vẽ mặt bằng vị trí công trình trên lô đất tỷ lệ 1/100 - 1/500, kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

- Bản vẽ các mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu của công trình, tỷ lệ 1/50 - 1/200;

- Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/100 - 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50, kèm theo sơ đồ đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông; cấp nước; thoát nước mưa, nước bẩn; xử lý nước thải; cấp điện; thông tin liên lạc; các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác liên quan đến công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200.

(1.2) Đối với công trình theo tuyến trong đô thị, thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư số 15/2016/TT-BXD (bản chính);

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vị trí và phương án tuyến.

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai;

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí tuyến công trình tỷ lệ 1/100 - 1/500;

- Bản vẽ mặt bằng tổng thể hoặc bản vẽ bình đồ công trình tỷ lệ 1/500 - 1/5000;

- Bản vẽ các mặt cắt ngang chủ yếu của tuyến công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200;

- Riêng đối với công trình ngầm phải bổ sung thêm: Bản vẽ các mặt cắt ngang, các mặt cắt dọc thể hiện chiều sâu công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200; Sơ đồ đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài công trình tỷ lệ 1/100 - 1/500.

(1.3) Đối với công trình quảng cáo, thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Phụ lục số 1 Thông tư số 15/2016/TT-BXD;

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trường hợp đối với công trình xây dựng tại khu vực không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng cho xây dựng, không chuyển đổi được mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận về địa điểm xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng thuê công trình đối với trường hợp thuê đất hoặc thuê công trình để xây dựng công trình quảng cáo;

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:

+ Đối với trường hợp công trình xây dựng mới:

- Sơ đồ vị trí công trình tỷ lệ 1/50 - 1/500;

- Bản vẽ mặt bằng công trình tỷ lệ 1/50 - 1/500;

- Bản vẽ mặt cắt móng và mặt cắt công trình tỷ lệ 1/50;

- Bản vẽ các mặt đứng chính công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200;

+ Đối với trường hợp biển quảng cáo được gắn vào công trình đã được xây dựng hợp pháp:

- Bản vẽ kết cấu của bộ phận công trình tại vị trí gắn biển quảng cáo tỷ lệ 1/50;

- Bản vẽ các mặt đứng công trình có gắn biển quảng cáo tỷ lệ 1/50 - 1/100.

(2) Trường hợp theo giai đoạn:

Đối với công trình theo tuyến trong đô thị, thành phần hồ sơ gồm:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư số 15/2016/TT-BXD;

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vị trí và phương án tuyến;

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính Quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phần đất thực hiện theo giai đoạn hoặc cả dự án theo quy định của pháp luật về đất đai;

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí tuyến công trình tỷ lệ 1/100 - 1/500;

- Bản vẽ mặt bằng tổng thể hoặc bản vẽ bình đồ công trình tỷ lệ 1/500 - 1/5000;

- Các bản vẽ theo từng giai đoạn: Bản vẽ các mặt cắt ngang chủ yếu của tuyến công trình theo giai đoạn tỷ lệ 1/50 - 1/200; Đối với công trình ngầm yêu cầu phải có bản vẽ các mặt cắt ngang, các mặt cắt dọc thể hiện chiều sâu công trình theo từng giai đoạn tỷ lệ 1/50 - 1/200; Sơ đồ đấu nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn tỷ lệ 1/100 - 1/500.

(3) Đối với công trình sửa chữa, cải tạo:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở, theo mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư số 15/2016/TT-BXD (bản chính).

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật hoặc bản sao giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

+ Đối với các công trình di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, thì phải có bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp.

Ngoài các tài liệu quy định đối với mỗi loại công trình nêu trên, hồ sơ đề nghị cấp hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng còn phải bổ sung thêm các tài liệu khác đối với các trường hợp sau:

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính báo cáo kết quả thẩm định thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với công trình theo quy định phải được thẩm định thiết kế.

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn cho công trình và công trình lân cận đối với công trình xây chen, có tầng hầm.

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân thiết kế theo mẫu tại Phụ lục số 3 Thông tư số 15/2016/TT-BXD, kèm theo bản sao chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, đối với công trình chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế.

- Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính quyết định đầu tư đối với công trình yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng.

(4) Đối với công trình xây dựng có thời hạn:

Hồ sơ như điểm (1.1); (5) mục này. Riêng tiêu đề của đơn được đổi thành “Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn”

(5) Đối với nhà ở riêng lẻ:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 1 Thông tư số 15/2016/TT-BXD (bản chính).

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:

- Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 - 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

- Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 - 1/200;

- Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 - 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 - 1/200.

Hồ sơ thiết kế nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng và Điều 5 Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quy định về quản lý chất lượng và bảo trì nhà ở riêng lẻ.

Trường hợp thiết kế xây dựng của công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các bản vẽ thiết kế quy định tại nội dung này là bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp các bản vẽ thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.

Đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các tài liệu quy định tại điểm 1, 2, 3 nội dung này, hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận.

+ Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

b) Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)

- Thời hạn giải quyết:

Đối với công trình:

+ 30 ngày làm việc (kể cả 10 ngày lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn);

+ 20 ngày làm việc nếu không lấy ý kiến.

Đối với nhà ở riêng lẻ:

+ 24 ngày làm việc (kể cả 10 ngày lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn);

+ 14 ngày làm việc nếu không lấy ý kiến.

- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, cá nhân.

- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện trên địa bản tỉnh Vĩnh Long.

b) Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã; Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện.

- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế trình xin cấp giấy phép xây dựng có đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Lệ phí:

+ Công trình: 100.000 đồng/giấy phép.

+ Nhà ở gia đình: 50.000 đồng/giấy phép.

- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng (theo mẫu Phụ lục 1, ban hành kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BXD, ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng).

- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

* Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị

+ Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

+ Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

+ Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.

+ Thiết kế xây dựng công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Điều 82 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

* Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình không theo tuyến ngoài đô thị

- Phù hợp với vị trí và tổng mặt bằng của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

- Đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 91 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.

* Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ

1. Điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị gồm:

a) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt;

b) Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh;

2. Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản a,b,c,d nêu trên và phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

3. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

* Yêu cầu về hồ sơ thiết kế

1. Bản vẽ thiết kế phải xác định rõ vị trí xây dựng, lộ giới, chỉ giới xây dựng, ranh giới thửa đất, khoảng cách từ công trình đến ranh đất, đến công trình hiện có trên thửa đất, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật; phải phù hợp Quy chuẩn xây dựng, quy định về quy hoạch, kiến trúc và các quy định pháp luật khác có liên quan. Bản vẽ sửa chữa, cải tạo phải thể hiện rõ nội dung và giải pháp cải tạo, sửa chữa. Bản vẽ thiết kế được thể hiện trên khổ giấy A3 trở lên và có tỷ lệ đúng theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 Thông tư số 15/2016/TT-BXD. Trong khung tên từng bản vẽ phải có tên, chữ ký của người trực tiếp thiết kế, người kiểm tra thiết kế, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế, người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế và dấu của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình trong trường hợp nhà thầu thiết kế là tổ chức hoặc tên, chữ ký của người trực tiếp thiết kế và chủ đầu tư đối với trường hợp là cá nhân thiết kế.

2. Hồ sơ thiết kế nhà ở riêng lẻ được thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng và Điều 5 Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quy định về quản lý chất lượng và bảo trì nhà ở riêng lẻ.

3. Hồ sơ thiết kế xây dựng công trình phải được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện; thiết kế phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thẩm định thì thuê đơn vị tư vấn có năng lực thẩm tra làm cơ sở thẩm định và phê duyệt.

- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

+ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

+ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

+ Thông tư số 15/2016/TT-BXD, ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng.

+ Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND, ngày 04/4/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quy định về cấp giấy phép xây dựng và phân cấp cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

+ Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND, ngày 7/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long, Quy định mức thu đối với các khoản phí, lệ phí trên trên địa bàn tỉnh Vĩnh long