
Trạm Khuyến Nông huyện Trà Ôn vừa phối hợp với UBND xã Trà Côn tổ chức tập huấn về “Kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản” cho 20 nông dân trong xã.
Nhằm triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tiếp tục tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế, có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực khó khăn góp phần thực hiện mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020.
Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long xây dựng Kế hoạch đầu tư mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Trà Côn, huyện Trà Ôn thuộc Kế hoạch “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giảm nghèo các ấp đặc biệt khó khăn" năm 2020. Trong đó Trạm Khuyến nông Trà Ôn được phân bổ thực hiện mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” với số lượng 8 con bò cái lai Sind tại xã Trà Côn.
Về tiêu chí chọn hộ tham gia mô hình: ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi lâu dài (đất đai, vốn, khu vực nuôi…), có đủ vốn và cam kết đối ứng theo quy định của kế hoạch để thực hiện mô hình. Có đơn tự nguyện tham gia mô hình và cam kết giao lại 1 con bê con sau 6 tháng đẻ lần đầu cho các hộ thuộc đối tượng trên địa bàn xã.
Định mức hỗ trợ cho 01 mô hình:
* Con giống: giá trị 16 triệu đồng /mô hình (01 con Bò cái). Cụ thể như sau:
- Mỗi hộ dân đủ điều kiện tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 01 con bò cái với kinh phí hỗ trợ:
+ Đối với hộ nghèo là 15 triệu đồng/con bò, phải đối ứng thêm 1 triệu đồng/ con bò.
+ Đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 12 triệu đồng/con bò, phải đối ứng thêm 4 triệu đồng /hộ để nhận nuôi 01con bò.
Hiện tại có 4 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, 2 hộ thoát nghèo được chọn đăng ký tham gia mô hình ở 2 ấp Thôn Rôn và ấp Ngãi Lộ A.
Tại buổi tập huấn, nông dân được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của các quy trình chăn nuôi bò như: giới thiệu các giống bò nội và ngoại nhập hiện có ở Việt Nam, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và biện pháp phòng trị một số bệnh trên bò.
Phát biểu tại buổi tập huấn, người dân đồng tình với việc thực hiện mô hình này và ủng hộ việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, chuyển đổi nhận thức của nông dân từ phương thức chăn nuôi truyền thống chuyển sang phương thức chăn nuôi khoa học, giúp người dân ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ở nông thôn./.
Trần Văn Phúc