
Huyện Trà Ôn là huyện vùng sâu của tỉnh, có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, gồm 13 xã và 01 thị trấn, dân số 129.535 người, với 38.709 hộ. Hiện có 2.619 hộ dân tộc Khmer, với 10.440 nhân khẩu, sống tập trung ở 4 xã: Tân Mỹ, Trà Côn và một phần xã Thiện Mỹ, xã Hựu Thành.
Trong năm qua, huyện đã triển khai và thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer. Kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đúng hướng; Phong trào chăn nuôi, gia súc, gia cầm, thủy sản cũng có bước phát triển đáng kể; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, trường, trạm…được quan tâm đầu tư kịp thời. Đến nay, hộ dân tộc khmer nông thôn sử dụng điện chiếm 99,81%; hộ dân nông thôn sử dụng nước máy tập trung, chiếm 93,3% đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân sản xuất và sinh hoạt. Phong trào xây dựng nông thôn mới được huyện quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, hiện có 08 xã đạt nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 ấp nông thôn mới kiểu mẫu; giữ vững thị trấn Trà Ôn đạt văn minh đô thị; các xã còn lại đạt từ 12 đến 17 tiêu chí, riêng xã Tân Mỹ đạt 15 tiêu chí, xã Trà Côn đạt 12 tiêu chí.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội đạt được nhiều kết quả đáng kể. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường, lớp được tiếp tục đầu tư, chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo không ngừng được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân luôn được chú trọng nên chất lượng khám chữa bệnh ngày một tốt hơn, 100% người dân tộc Khmer tham gia BHYT. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tiếp tục duy trì và phát triển, hiện có 09/14 xã, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị và 90/90 ấp khu đạt văn hóa, chiếm 100%. Việc vận động, huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình dân sinh xã hội, phát triển cộng đồng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn dân tộc Khmer,...được triển khai thực hiện có hiệu quả; Vận động xây dựng mới, sữa chữa 28 căn nhà đại đoàn kết với kinh phí trên 980 triệu đồng; chuyển giao thực hiện dự án “Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chăn nuôi bò giống, nâng cao đời sống” giai đoạn 2021-2023 với 149 con (xã Tân Mỹ 87 con, xã Trà Côn 62 con) và các dự án hỗ trợ khác,.... Vận động hỗ trợ trên 6.000 phần quà, trị giá trên 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn đồng bào dân tộc Khmer. Kịp thời thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, cuối năm 2021 đã giảm 1,46% hộ nghèo, đạt 134% kế hoạch; Riêng hộ Khmer nghèo đã giảm 3% đạt 100% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người 34 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2020.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được giữ vững, ổn định.
Để tiếp tục thực hiện giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer trong năm nay 2022, UBND huyện đã đề ra một số giải pháp đổi mới mang tính đột phá, quyết liệt, hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, đó là:
Thứ nhất, đẩy mạnh, đa dạng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là biết phát huy, tranh thủ các vị sư, Ban quản trị Chùa, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer để vận động, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer.
Thứ hai, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer triển khai có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 theo nguyên tắc: “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Đổi mới tư duy tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn lực, trực tiếp tham gia, giám sát , công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ của đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại; chủ động tích cực vượt khó đi lên…; tổ chức phát động, triển khai cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững".
Thứ ba, tập trung thực hiện các giải pháp như: Đề án hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh; Đề án giải quyết việc làm, đào tạo nghề, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn; Kế hoạch chuyển đổi thâm canh cây cam sành trên đất lúa; Dự án hỗ trợ nuôi bò và các dự án khác,….Đồng thời, chú trọng việc phân công các đoàn thể từ huyện đến xã, mỗi đoàn thể trực tiếp phụ trách hội viên của mình là hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc Khmer để hướng dẫn cách làm ăn, phương án phát triển kinh tế, nhằm giúp cho từng hộ nghèo để thoát nghèo bền vững.
Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đang còn hiệu lực thi hành như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chính sách khác. Huyện tiếp tục kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài huyện đóng góp hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu GTNT, đường, nhà ở cho hộ nghèo Khmer khó khăn về nhà ở; vận động hỗ trợ các phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Làm tốt công tác thăm, viếng các Chùa, sư sãi, gia đình chính sách,người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer trong các dịp lễ, Tết.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng theo dõi, giám sát quá trình triển khai thực hiện để đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch đề ra. Phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ giảm 1,5% hộ nghèo. Riêng hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm 5%.
Kim Ngân