Với ước mơ khởi nghiệp tại mãnh đất quê hương, nữ thanh niên trẻ tuổi Chung Mỹ Phương, sinh năm 1997 cư ngụ tại ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn không chỉ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư vốn nuôi lươn thương phẩm và lươn giống, bước đầu mô hình đã thành công và cho hiệu quả kinh tế khá.
Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, gia đình có 4 anh chị em và Mỹ Phương là con gái út trong nhà nhưng hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, ít ruộng đất, thu nhập của cha mẹ không đủ lo cho các con, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Vì thế khi còn nhỏ Mỹ Phương đã có ý chí tự lập và cố gắng học hành chăm chỉ và thi đậu vào trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Cần Thơ. Nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường em không tìm được việc làm đành gác lại ước mơ của mình mà lên thành phố để làm công nhân kiếm tiền phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống. Sau vài năm làm công nhân em đã nhận thức được bản thân mình cần phải tìm một công việc khác ổn định hơn để phát triển kinh tế tại quê nhà. Qua trao đổi với bạn bè, Mỹ Phương đã tìm đến các trang trại nuôi lươn lớn ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang,…để học hỏi cách làm ao nuôi, cách chăm sóc lươn thương phẩm, lươn giống và cách phòng bệnh,,...Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, năm 2019 Mỹ Phương đã quyết tâm thực hiện mô hình nuôi lươn tại đất nhà và hiện nay mô hình đang cho lợi nhuận khá.
Qua trao đổi với Mỹ Phương, một cô gái còn rất trẻ, với ngoại hình nhỏ nhắn nhưng ý chí và nghị lực kiên cường hiện rõ trên gương mặt, Mỹ Phương chia sẻ: “Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên khi đi làm ở thành phố tôi tích lũy được 30 triệu đồng và vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để phát triển mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn và lươn giống. Nhưng thả nuôi đợt đầu tiên không đạt hiệu quả, tôi không nản chí mà càng quyết tâm hơn, tôi thả nuôi lần 2, lần 3 và đạt năng suất, chất lượng hơn. Hiện nay tôi nuôi được 5 hồ lươn thương phẩm với diện tích 50m2 và xuất bán vài đợt cho Công ty 404 ở Cần Thơ xuất khẩu qua Nhật với giá trung bình 130.000 đồng/kg. Riêng mô hình lươn giống, tôi nuôi với diện tích là 2.000m2 đất ruộng và vườn của gia đình, lươn phát triển tốt và bán theo phân cỡ 1.000 con/kg với giá 4.500 đồng/con, còn phân cỡ 500 con/kg với giá 5.500 đồng/con. Mỗi đợt bán lươn thương phẩm và lươn giống tôi thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng, tôi mừng lắm và tiếp tục đầu tư vốn cho những vụ sau”.
Không ngại nắng mưa, bùn đất, hằng ngày Mỹ Phương đều lội ra ao kiểm tra mực nước, thức ăn và chăm sóc lươn rất kỹ lưỡng. Ngoài việc nuôi lươn, Mỹ Phương còn tận dụng diện tích đất sẳn có nuôi trùn quế và trùn chỉ để vừa tạo nguồn thức ăn sạch, dinh dưỡng cho lươn ăn vừa tiết kiệm chi phí, tăng thêm nguồn thu nhập. Mỹ Phương chia sẻ: “Nuôi lươn thương phẩm và lươn giống không khó nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên trì, nhẫn nại và hơn hết là biết áp dụng khoa học - kỹ thuật mới thành công. Lươn ăn ít, mức độ tiêu thụ thức ăn thấp, ít nhiễm bệnh và thị trường đầu ra khá ổn định. Lươn thương phẩm tôi bán cho công ty hoặc các thương lái bán lẻ tại các chợ, còn lươn giống thì bán cho các trang trại, các hộ nuôi nhỏ lẻ. Nuôi lươn vốn đầu tư không nhiều và tận dụng tối ưu diện tích ruộng vườn của gia đình cũng tiết kiệm chi phí, chỉ cần bỏ công chăm sóc và áp dụng đúng kỹ thuật là lươn đạt năng suất và chất lượng”.
Từ khi trở về địa phương phát triển kinh tế, Mỹ Phương còn tích cực tham gia công tác Đoàn và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn cho các bạn đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã khi có nhu cầu tư vấn về kỹ thuật làm ao, cách nuôi lươn, Mỹ Phương phấn khởi cho biết: “Khi nuôi lươn không bùn, việc đầu tiên là chọn con giống tốt, khỏe. Rồi khi đem giống về nuôi phải tập cho lươn quen dần với môi trường nhân tạo bằng đủ cách bơm nước và thay nước thường xuyên, canh mực nước vừa phải, pha thuốc chống sốc, thuốc trị bệnh đường ruột vào thức ăn cho lươn có sức đề kháng tốt, rồi làm thêm chùm dây ni lông để lươn có chỗ trú ẩn, giữ vệ sinh nguồn nước,…cố gắng chăm sóc, theo dõi lươn hằng ngày, sau 9 tháng thì lươn thương phẩm đạt 3 con/kg là xuất bán, còn lươn giống thì 1-2 tháng là bán một đợt”.
Mô hình nuôi lươn thương phẩm, lươn giống của nữ thanh niên trẻ Mỹ Phương không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, khích lệ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm đối với nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Anh Cao Nguyễn Nguyên Khanh - Bí thư xã đoàn Vĩnh Xuân cho biết: “Thực hiện phong trào thanh niên khởi nghiệp thời gian qua trên địa bàn xã đã có nhiều thanh niên thực hiện rất tốt phong trào này, họ dám nghĩ, dám làm, vượt qua bao khó khăn vất vả để đi đến thành công, tiêu biểu là mô hình nuôi lươn của nữ thanh niên trẻ Mỹ Phương. Từ mô hình này chúng tôi sẽ giới thiệu và nhân rộng trên địa bàn xã cho đoàn viên, thanh niên học hỏi và làm theo để cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
Cô gái trẻ Mỹ Phương vốn cần cù trong lao động, thật thà, chất phát đúng chất nông dân nhưng ý chí, nghị lực kiên cường vô cùng, Mỹ Phương xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp ở xã Vĩnh Xuân nói riêng và huyện Trà Ôn nói chung. Đặc biệt, năm 2020 Mỹ Phương được Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng là nông dân sản xuất giỏi. Đây sẽ là động lực thúc đẩy đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế phù hợp để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng cho gia đình và xã hội./.
Tố Loan