
Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Trà Ôn bắt đầu phục hồi và có sự chuyển mình rõ nét, hiện trên địa bàn huyện có 05 điểm du lịch miệt vườn và 01 Homestay, trong đó điểm du lịch “Chợ nổi Trà Ôn” trở thành điểm sáng trong phát triên du lịch với việc hình thành nhiều sản phẩm mới để thu hút du khách.
Khi đến đây, du khách hòa mình trong không khí trong lành, mát mẻ, thỏa sức khám phá, tìm hiểu về đời sống cư dân sông nước miệt vườn như: tắm cồn, chèo ghe, đi cầu tre, cầu lắc, tham quan vườn trái cây, trải nghiệm trồng và chăm sóc vườn cây, rau màu, hoa sen, khám phá khu vui chơi mê cung, nhà cười và ngắm nhìn nhiều ghe, tàu, nhà gỗ được trang trí đẹp mắt, …. cùng chương trình ẩm thực phong phú với các món ăn truyền thống miền Tây sông nước, bánh dân dân gian, trái cây theo mùa để phục vụ theo yêu cầu của du khách.
Xuất phát từ ý tưởng về một điểm du lịch xanh, vừa hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa của vùng sông nước miền Tây, vừa là một mô hình phát triển kinh tế hài hòa ở xứ cù lao gắn với duy trì văn hóa truyền thống địa phương, điểm du lịch sinh thái “Chợ nổi Trà Ôn” của anh Trần Minh Vẹn ngụ ấp Long Hưng, xã Lục Sĩ Thành, vừa ra đời và trở thành điểm du lịch sinh thái miệt vườn đầu tiên trên địa bàn xã. Anh Trần Minh Vẹn cho biết: “Tôi rất thích chợ nổi Trà Ôn trước đây, tôi nhớ như in hình ảnh những chiếc thuyền trên chợ nổi như những cửa hàng di động mang trên mình đầy ắp trái cây, rau củ, nông sản, hàng tiêu dùng… Thuyền hàng sẽ di chuyển qua lại quanh khu vực chợ nổi để tìm kiếm những chiếc thuyền có hàng hóa mà mình muốn trao đổi. Nếu muốn mua mặt hàng gì thì du khách chỉ cần ghé lại bên thuyền bán và trao đổi giá cả… tất cả mọi thứ đều diễn ra trên sông, không khí sôi động và náo nhiệt của chợ nổi làm cho tôi nhớ mãi. Nhưng sau khi chợ nổi không còn hoạt động tôi bắt đầu ấp ủ niềm đam mê tái hiện chợ nổi - nét đẹp văn hóa giao thương đặc sắc của vùng đất miền Tây sông nước tại điểm du lịch của mình. Chính vì thế tôi mạnh dạn đầu tư vốn mua gần 6 công đất và thuê hơn 20 công đất của bà con ở khu vực xung quanh có vườn trái cây sẳn để mở rộng diện tích kinh doanh. Đồng thời, tôi trùng tu hơn 10 chiếc ghe, tàu cũ của bà con trước đây ở khu vực này để tái hiện lại mô hình Chợ nổi trên bờ trưng bày các loại trái cây, bánh dân gian, tôm cá,… để khách du lịch tham quan, ăn uống và mua sản phẩm làm quà tặng cho bạn bè, người thân trong gia đình”.
Điều đáng trân quý ở anh Vẹn là ngoài mục tiêu xây dựng, phát triển, quảng bá điểm du lịch của mình thì mục tiêu song hành của anh là tạo điều kiện cho tất cả người dân ở khu vực xung quanh được cùng làm du lịch và được hưởng lợi từ du lịch. Ông Lưu Văn Thông - Chủ tịch Hội đồng Quản trị hợp tác xã - kiêm Giám đốc Hợp tác xã bánh tráng Cù Lao Mây xã Lục Sĩ Thành phấn khởi chia sẻ: “Trong điểm du lịch của anh Vẹn có nhiều ngôi nhà gỗ xinh xắn được bố trí làm gian hàng trưng bày các sản phẩm tại địa phương. Riêng tôi được anh Vẹn mời tham gia gian hàng bánh dân gian, trong đó chủ yếu tráng các loại bánh tráng ngọt, bánh tráng mặn, bánh tráng nhúng, bánh tráng nướng, bánh tráng ớt,bánh tráng dẻo hương lá dứa đậu xanh …và hướng dẫn du khách tự tay tráng bánh, thưởng thức bánh tại chỗ. Vợ chồng tôi rất vui và đồng ý tham gia liền. Vì công việc này sẽ giúp tôi có thêm thu nhập và có cơ hội giới thiệu, quảng bá bánh tráng Cù Lao Mây đến với du khách trong và ngoài nước”.
Với ý chí, quyết tâm của anh Vẹn, hy vọng rằng trong thời gian tới điểm du lịch “Chợ nổi Trà Ôn” tiếp tục có những mô hình độc lạ, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm độc đáo, sẽ làm nức lòng du khách phương xa, đặc biệt “Chợ nổi Trà Ôn” trăm năm tuổi được tái hiện sẽ luôn mới mẻ, trẻ trung với những sản phẩm du lịch ấn tượng. Điểm du lịch này trong tương lai sẽ hội tụ những điều kiện cơ bản để trở thành sản phẩm du lịch đặc thù. Đây là một trong những yếu tố then chốt tạo đòn bẩy cho du lịch địa phương phát triển. Thế nhưng, việc này vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự hợp lực, chung tay góp sức của các cơ quan chuyên môn và cả cộng đồng để nâng tầm phát triển du lịch “Chợ nổi Trà Ôn” trong thời gian tới.
Để tạo cơ sở ban đầu cho du lịch phát triển và nhất là để kêu gọi các nhà đầu tư, trong nhiều năm qua, huyện tập trung thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 06/11/2015 của Tỉnh ủy Vĩnh Long“về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, Kế hoạch số 14-KH/HU, ngày 05/4/2016 của Huyện ủy “về phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Với mong muốn xã Lục Sĩ Thành, Phú Thành là tâm điểm phát triển du lịch, hướng tới huyện chủ động thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó vận động, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu, điểm quy hoạch du lịch theo hướng du lịch sinh thái sông nước kết hợp với văn hóa lễ hội, các di tích đình, chùa, làng nghề; đầu tư xây dựng các cơ sở hoạt động vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại chất lượng, đa dạng, phong phú và lựa chọn các món ăn đặc trưng nhất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Lồng ghép các nội dung phát triển du lịch với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển ngành nghề nông thôn; tăng cường xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch sinh thái. Hướng dẫn người dân về kỹ thuật, giống cây trồng mới đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế, phục vụ cho khách du lịch; bên cạnh, tăng cường liên kết với các công ty du lịch giới thiệu khách đến tham quan tại các điểm du lịch hiện có. Tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh du lịch tập trung xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù để tạo sự khác biệt giữa các địa phương và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy định, chú ý yếu tố an toàn cho du khách. Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành có liên quan nâng cấp hạ tầng, đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi vào các điểm du lịch để tạo sự kết nối giữa các hộ kinh doanh du lịch có tính thống nhất về cảnh quan, góp phần thu hút du khách. Bên cạnh đó, đầu tư, tôn tạo các công trình văn hóa trọng điểm gắn với hoạt động lễ hội, tham quan di tích lịch sử. Khuyến khích các ngành, các cấp đăng cai tổ chức các sự kiện, các giải thể thao, hội thi, hội diễn...quy mô cấp huyện, cấp tỉnh tạo điểm nhấn thu hút, quảng bá du lịch địa phương. Đây cũng là một trong những đặc trưng tạo nên nét đặc sắc cho các điểm du lịch sinh thái miệt vườn, tạo sự bền vững trong phát triển du lịch và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trà Ôn./.
Tố Loan