Vị trí địa lý:
Trà Ôn nằm ở phía Tây Nam tỉnh Vĩnh Long, cách Thị xã Vĩnh Long khoảng 35 km và cách Thành Phố Cần Thơ chưa đầy 17 km theo đường chim bay, được giới hạn từ 9052’40’’ đến 10005’30’’ độ vĩ Bắc và từ 105050’30’’ đến 106006’00’’ độ kinh Đông.
Phía Bắc giáp huyện Tam Bình và Vũng Liêm.
Phía Nam giáp huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Kế Sách (Sóc Trăng).
Phía Đông giáp huyện Vũng Liêm và huyện Cầu Kè (Trà VInh).
Phía Tây giáp huyện Tam Bình, Bình Minh và Châu Thành (Cần Thơ).
Trà Ôn có mạng lưới giao thông thuỷ bộ thuận lợi, nối liền huyện với Thành Phố Hồ Chí Minh, Thành Phố Cần Thơ và các tỉnh miền. Quốc Lộ 54, tỉnh lộ 901, 904, 906, 907 đi ngang qua huyện nối Trà Ôn với các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp. Sông Hậu nằm cặp bờ Tây của huyện, sông Mang Thít nằm ở bờ Tây Bắc của huyện nối liền sông Tiền với sông Hậu và sông Trà Ngoa nối từ sông Măng Thít xuyên ngang qua giữa huyện đến giáp tỉnh Trà Vinh.
Đất đai- thổ nhưỡng:
Diện tích tự nhiên là 26.714,42 ha: Đất sản xuất nông nghiệp 22.019,28 ha, chiếm 82,4% diện tích tự nhiên, trong đó: đất trồng cây hàng năm 12.701,06 ha, chiếm 57,6 % đất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa và một ít trồng rau màu, đất trồng cây lâu năm, cây ăn quả 9.246,31 ha, chiếm gần 42% đất nông nghiệp.
Địa hình tương đối bằng phẳng, địa hình cao từ sông Hậu, sông Trà Ôn và sông Mang Thít thấp dần về phía đông bắc, cao trình biến thiên từ 1,25 - 0,5 m : Vùng có cao trình từ 1 - 1,25 m gồm các xã ven sông Hậu và sông Trà Ôn - Mang Thít như Tích Thiện, Thiện Mỹ, Thị trấn Trà Ôn và Tân Mỹ; Vùng có cao trình từ 0,75 - 1 m gồm các xã Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Hựu Thành, Trà Côn; Vùng có cao trình từ 0,5 - 0,75 m gồm các xã Hòa Bình, Xuân Hiệp, Nhơn Bình, Thới Hòa.
Về tính chất cơ hóa, đất đai của huyện được chia thành 03 nhóm chính : Nhóm đất phèn 8.512 ha chiếm 33,33 % diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã vùng trũng như Hòa Bình, Xuân Hiệp, Nhơn Bình, Thới Hòa và 1 phần của Thuận Thới, Hựu Thành, tuy là đất phèn nhưng tầng sinh phèn ở rất sâu (đất phèn nông chỉ chiếm 34%), được cải tạo và canh tác khá thuần thục, bố trí 2 - 3 vụ lúa trong năm cho năng suất khá cao; Nhóm đất phù sa 17.140 ha chiếm 67,11% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các xã ven tuyến sông Hậu và sông Mang Thít, là vùng đất phì nhiêu thuận tiện cho trồng cây ăn quả; Nhóm đất cát giồng : 185 ha chiếm 0,72% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở 3 giồng cát : giồng Thanh Bạch (xã Thiện Mỹ), giồng La Ghì (xã Vĩnh Xuân) và giồng Gòn (xã Thuận Thới), chủ yếu là đất thổ cư, trồng cây lâu năm và rau màu.
Tài nguyên tự nhiên:
Hệ thống sông rạch ngang dọc chằng chịt phủ khắp địa bàn, là nguồn cung cấp nước ngọt thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt. Có 2 nguồn khoáng sản chủ yếu là cát sông trên sông Hậu với trữ lượng khá lớn và có 13 thân sét diện tích 6.168,18 ha với trữ lượng sét 57,82 triệu m3 tập trung ở các xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Trà Côn, Vĩnh Xuân, Tích Thiện, Thuận Thới, Hựu Thành, Nhơn Bình, Thới Hoà.
Hệ động vật, thực vật rất phong phú đa dạng : Về thực vật có đủ các loại cây nhiệt đới, chủ yếu là cây lúa nước và có hầu hết các loại rau màu, cây lương thực, cây công nghiệp, cây thuốc; cây ăn trái. Về động vật gần như nuôi được hầu hết các loại gia súc, gia cầm như heo, bò. trâu, gà, vịt, dê,…và có đủ các loại cá, tôm nước ngọt; động vật hoang dã có cả những loại quý hiếm như tôm càng xanh, rùa, rắn, cu đất, le le, cúm núm, dơi sen,…
d/- Khí hậu- thời tiết:
Trà Ôn, cũng như các vùng Nam Bộ, mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 26 – 27 0C (tháng 4 nóng nhất: 36 0C, tháng giêng nhiệt độ thấp nhất: 290C), bình quân hàng năm có 2.600 giờ nắng, ẩm độ trung bình 80 - 83 % (độ ẩm tối đa khoảng 92 % và tối thiểu khoảng 62 %).
Hàng năm có 2 mùa rõ rệt : Mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, đây là mùa nắng gay gắt ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 11, trung bình có khoảng 115 ngày mưa, với lượng mưa khoảng 1400 - 1500 mm.
đ/- Dân số- lao động:
Dân số 137.117 người, nữ 69.311 người, chiếm 50,5%, mật độ 529 người/km2 và phân bổ chủ yếu ở nông thôn với 92,5% dân số toàn huyện. Có 03 dân tộc sinh sống đan xen với nhau, trong đó dân tộc Kinh chiếm số đông với 93,83%; dân tộc Khmer chiếm 5,57 % và dân tộc Hoa chiếm 0,6% dân số toàn huyện.
Lao động rất dồi dào, tỷ lệ lao động trẻ khá cao, có trên 62 % dân số trong độ tuổi lao động và làm việc chủ yếu trong khu vực nông nghiệp - thuỷ sản: chiếm 77,6 %; lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 3,8 % và lao động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm 19,6% số lao động trong độ tuổi. Chất lượng lao động còn thấp : có 97,73 % lao động phổ thông, lao động có chuyên môn hoặc được đào tạo nghề chỉ có 13,09 %.